Kính solar control: (Kính được phủ các lớp kim loại nhưng không chứa bạc)
Ngoài những tính năng cơ bản giống như kính xây dựng thông thường, kính tiết kiệm năng lượng còn được biết đến với rất nhiều các tính năng ưu việt khác liên quan đến các chỉ số năng lượng đúng như tên gọi của nó.
Ánh sáng mặt trời gồm 3 thành phần chính là:
• Ánh sáng khả kiến có bước sóng từ 380 nm đến 780 nm (ánh sáng có thể nhìn thấy
được bằng mắt thường).
• Tia cực tím có bước sóng từ 10 đến 380 nm (ánh sáng nằm trong vùng bước sóng
ngắn và không thể nhìn thấy được bằng mắt thường).
• Tia hồng ngoại có bước sóng từ 780 nm đến 1 mm (ánh sáng nằm trong vùng bước
sóng dài)
Phần lớn năng lượng mặt trời nằm ở vùng hồng ngoại. Với lớp phủ có tính năng kiểm soát năng lượng mặt trời thì khả năng ngăn cản lượng ánh sáng vùng khả kiến từ 5% đến 95%;đối với tia cực tím khả năng ngăn cản lên đến 99% và gần như tuyệt đối; đối với tổng năng lượng từ ánh sáng mặt trời khả năng ngăn cản lên đến 79%.
Kính tiết kiệm năng lượng hiện nay được sử dụng rất nhiều và phổ biến
Đối với kính Solar control, nếu dùng để lắp đặt ở những vùng có khí hậu lạnh là không phù hợp với công dụng của nó. Vì thông thường, ở những vùng có khí hậu lạnh, người ta muốn tận dụng tối đa lượng nhiệt từ mặt trời để sưởi ấm. Ở những vùng có khí hậu lạnh, người ta cần một loại kính có thể vừa cho ánh sáng nhìn thấy từ mặt trời truyền vào bên trong ngôi nhà, vừa có chức năng ngăn cản lượng nhiệt từ lò sưởi trong nhà truyền ra bên ngoài.
Để giải quyết vấn đề đó, một loại kính tiết kiệm năng lượng khác được sản xuất để giải quyết các vấn đề mà kính Solar control không thể đáp ứng được đó là kính Low E. Với cấu trúc lớp phủ có thêm một lớp kim loại Bạc ở giữa, tạo ra khả năng chống thất thoát nhiệt từ trong nhà ra môi trường bên ngoài. Với tính năng tuyệt vời chỉ có ở kim loại Bạc, đã giúp cải thiện nhu cầu tiết kiệm năng lượng dùng trong sưởi ấm ở những vùng có khí hậu lạnh giá.
Nếu như kính Solar control giúp tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm nhiệt lượng từ ánh sáng mặt trời bên ngoài vào trong nhà để giảm chi phí sử dụng điện cho điều hòa nhiệt độ làm mát căn phòng. Thì ngược lại, kính Low E lại giúp tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm tiêu hao năng lượng từ việc dùng lò sưởi để làm ấm căn phòng.
Kính tiết kiệm năng lương Viglacera được sản xuất bằng công nghệ phủ mềm (Phủ offline) – Phương pháp phủ dùng công nghệ phún xạ Magnetron trong môi trường chân không hay còn gọi là phủ hóa hơi vật lý (PVD). Hệ thống lớp phủ gồm các hợp chất siêu mỏng có khả năng ngăn cản nhiệt độ truyền qua kính. Viglacera cung cấp 2 loại sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng ra thị trường gồm: Kính Low E và Kính Solar control. Kính Low-E (Low-emissivity) hay còn được gọi là kính bức xạ thấp, đây là sản phẩm dạng màng được chế tạo bằng cách phủ nhiều lớp kim loại hoặc vật liệu hỗn hợp lên bề mặt kính. Đặc tính của lớp màng phủ này là có khả năng cho ánh sáng nhìn thấy xuyên qua rất cao và có khả năng phản xạ cao đối với các tia hồng ngoại có bước sóng lớn. Đây chính là ưu điểm rõ nét nhất khi so sánh loại kính này với loại kính thông thường và các loại kính mạ xây dựng truyền thống khác.
Sản xuất kính Low-E bằng phương pháp phún xạ chân không là kỹ thuật phún xạ đang rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Kính Low-E một lớp bạc được sản xuất bằng công nghệ phún xạ chân không có lớp màng phủ được cấu thành từ 5 đến 8 lớp mỏng, trong đó tầng chức năng là tầng mạ bạc, nằm ở tầng giữa, lớp màng thứ nhất tiếp xúc với bề mặt kính là lớp màng oxit kim loại, tác dụng của lớp màng này là làm giảm tỷ lệ phản xạ và làm tăng tỷ lệ ánh sáng nhìn thấy truyền qua Bạc đồng thời sinh ra màu sắc phản xạ. Lớp phủ thứ 2 và thứ 4 là lớp kim loại chống oxi hoá, hai lớp này ở hai bên mặt của lớp bạc có tác dụng cách li và bảo vệ lớp bạc. Lớp màng thứ 5 là lớp oxit kim loại ở ngoài cùng, lớp này có tác dụng bảo vệ và tăng cường tỷ lệ thẩm thấu ánh sáng.
Do có nhiều loại kim loại để lựa chọn, và có nhiều vật liệu kim loại để tổ hợp nên kính Low-E được sản xuất bằng phương pháp phún xạ sẽ có nhiều kiểu sắp xếp khác nhau. Về phương diện độ thuần khiết và màu sắc phương pháp phún xạ cũng có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp phủ cứng online, hơn nữa đây là phương pháp offline (tách khỏi dây truyền sản xuất kính nổi) nên sẽ có độ linh hoạt hơn trong việc tạo ra các sản phẩm mới. Ưu điểm quan trọng nhất là hệ số truyền nhiệt “U” của kính Low-E được sản xuất theo phương pháp này vượt trội hơn hẳn hệ số truyền nhiệt “U” của sản phẩm kính được sản xuất theo phương pháp phủ cứng.
Kính Solar control, cũng được sản xuất với nguyên lý giống như kính Low E, nhưng điểm khác biệt lớn nhất của kính Solar Control với kính Low E chính là không có lớp phủ Bạc ở giữa. Tùy vào yêu cầu của từng loại kính Solar control, cấu trúc lớp phủ có thể từ 3 đến 5 lớp mỏng. Với chức năng chính là phản quang, giúp ngăn cản năng lượng truyền từ ánh sáng mặt trời vào phía trong lớp kính. Vì thế vật liệu phủ và độ dày của lớp phản quang sẽ quyết định đến tính năng của lớp phủ.